Chat với Vietfamtravel

Cẩm nang du lịch Điện Biên từ A đến Z



Tổng quan du lịch Điện Biên

Điện Biên nổi tiếng với địa hình núi non hùng vĩ, lịch sử oai hùng và văn hóa đa dạng của các dân tộc. Là nơi diễn ra chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm 1954, tỉnh mang trong mình dấu ấn lịch sử sâu sắc. Với khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hoang sơ cùng các lễ hội văn hóa đặc sắc, du lịch Điện Biên hấp dẫn cho những ai yêu lịch sử và muốn khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng Tây Bắc.


Điện Biên hùng vĩ. Ảnh: @mavis.vivuky

Thời điểm lý tưởng để du lịch Điện Biên

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 đến 23 độ C, nhiệt độ thấp nhất khoảng 13 độ C, cao nhất khoảng 25 độ C. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 8. Thời điểm đẹp nhất để du lịch Điện Biên là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11, khi thời tiết thuận lợi và cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ nhất.

Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Di chuyển

Sân bay Điện Biên đã đón khách trở lại vào ngày 2/12/2023. Vietnam Airlines có đường bay thẳng từ Hà Nội đến Điện Biên vào tất cả các ngày trong tuần. Du khách từ TP HCM cũng có thể bay bằng Vietnam Airlines, với một điểm dừng ở Hà Nội

Nếu đi đường bộ từ Hà Nội, du khách có thể đi theo CT08, CT02, QL6 qua Hoà Bình. Hoặc theo tuyến DT87, QL32, QL37 qua Hòa Bình và Sơn La. Thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng. Một số hãng xe khách chạy tuyến Hà Nội – Điện Biên như Nam Liên, Nam Oanh, Hải Vân, Khánh Lệ, Cường Tâm, Chiến Hà, giá vé dao động từ 300.000 đồng.

Nhiều di tích lịch sử ở Điện Biên

Điểm tham quan

Hầm Đờ Cát

Hầm Đờ Cát (De Castries) là một di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây từng là sở chỉ huy của tướng Christian De Castries, chỉ huy quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầm được xây dựng kiên cố bằng các tấm thép dày và bao quanh bởi hệ thống lô cốt, chiến hào chằng chịt. Hiện nay, hầm Đờ Cát là điểm tham quan du lịch Điện Biên nổi bật.

Cấu trúc đồ đạc trong phòng Đờ Cát. Ảnh: Báo Tiền Phong

Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị

Đồi A1

Đồi A1 là một di tích lịch sử quan trọng. Đây là một trong những cứ điểm mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do quân đội Pháp xây dựng. Đồi A1 đã chứng kiến những trận đánh ác liệt của quân đội Việt Nam. Hiện nay, trên đồi vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử như hệ thống chiến hào, hố bộc phá và xác xe tăng Pháp.

Đồi A1

Hố bộc phá

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Bảo tàng có kiến trúc độc đáo, lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc mũ cối với không gian trưng bày hiện đại gồm 5 chủ đề chính. Đó là bối cảnh lịch sử, chuẩn bị chiến dịch, diễn biến chiến dịch, chiến thắng và ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ. Du khách khi tham quan sẽ được chiêm ngưỡng hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh, và tài liệu quý giá về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bên ngoài bảo tàng

Bên trong bảo tàng. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm trên đồi D1 giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Tượng đài được xây dựng với quy mô lớn, thể hiện hình ảnh ba chiến sĩ bộ đội, một người cầm súng, một người giương cao lá cờ chiến thắng, và một người bế em bé người Thái. Với chiều cao 16,6m và chất liệu đồng nguyên khối, đây là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Từ đỉnh đồi D1, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh xanh mướt và các di tích xung quanh.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, ẩn dưới tán rừng cổ thụ. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy tối cao đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. Khu di tích được bao quanh bởi khu rừng nguyên sinh rậm rạp, tạo nên một không gian yên tĩnh và an toàn tuyệt đối. Tại đây, du khách có thể tham quan các hạng mục quan trọng như hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầm của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, nhà hội họp…

Di tích nằm ẩn trong rừng sâu. Ảnh: Báo Lào Cai

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc. Đèo nằm trên quốc lộ 6, nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Tên gọi “Pha Đin” xuất phát từ tiếng Thái, nghĩa là “trời và đất”. Với độ dài khoảng 32 km và độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, đèo Pha Đin có những khúc cua ngoạn mục. Trong lịch sử, đèo Pha Đin là con đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, lương thực, và quân trang. Ngày nay, đứng trên đỉnh đèo, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.

Đường đèo quanh co. Ảnh: VOV

Cánh đồng Mường Thanh

Cánh đồng Mường Thanh, nằm trong lòng chảo Điện Biên, là cánh đồng lớn và trù phú nhất vùng Tây Bắc. Cánh đồng trải rộng giữa những dãy núi trùng điệp, tạo nên một bức tranh thiên nhiên yên bình. Cánh đồng nổi tiếng với đất đai màu mỡ, được tưới mát bởi dòng sông Nậm Rốm. Đây là nơi trồng giống gạo tám thơm Điện Biên trứ danh. Không chỉ là biểu tượng của sự trù phú, cánh đồng Mường Thanh còn gắn liền với lịch sử oai hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Cánh đồng Mường Thanh

Mường Nhé

Mường Nhé là nơi giao thoa của Việt Nam, Lào, và Trung Quốc. Địa phương này nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, hệ sinh thái phong phú tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Ngoài ra, Mường Nhé còn mang ý nghĩa địa lý đặc biệt khi là nơi đặt cột mốc số 0 biên giới ba nước. A Pa Chải là điểm đến nổi tiếng nhất ở Mường Nhé, nơi có cột mốc tọa độ số 0, nằm trên đỉnh núi Khoan La San. Vào những ngày 3, 13 và 23 hàng tháng là ngày họp chợ phiên tại A Pa Chải vô cùng độc đáo. Nhờ đó khách du lịch Điện Biên có cơ hội trải nghiệm văn hóa vùng biên cương.

Ngã ba biên giới A Pa Chải. Ảnh: Cục Thông tin đối ngoại

Mường Lay

Thị xã Mường Lay là thủ phủ người Thái Trắng, nơi du khách có thể du ngoạn trên sông Đà. Bạn có thể ghé cầu Hang Tôm nơi nối liền hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Cầu Hang Tôm cũ được xây dựng năm 1967, từng là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Dương. Tháng 11/2012 thủy điện Sơn La tích nước khiến toàn bộ thị xã Mường Lay cũ trong đó có cả cây cầu Hang Tôm bị chìm dưới lòng hồ sông Đà. Ngay gần vị trí cầu Hang Tôm cũ, đã có một cây cầu mới cao hơn 70 m.

Thị xã Mường Lay

Suối khoáng nóng U Va

Suối khoáng nóng U Va nằm giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ, nổi bật với nguồn nước khoáng tự nhiên. Nhiệt độ nước trung bình từ 76-84°C, chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Du khách đến đây không chỉ được tận hưởng cảm giác thư giãn tuyệt vời khi ngâm mình trong làn nước nóng, mà còn có cơ hội tham gia các liệu pháp trị liệu tự nhiên giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và phục hồi năng lượng. Sau khi tắm xong, bạn có thể tham gia chơi tennis, đạp xe, đánh cầu lông, thưởng thức văn nghệ từ những người dân tộc Dao, H’Mông.

Vui chơi ở suối khoáng nóng

Hồ Pá Khoang

Hồ Pá Khoang là một điểm đến thơ mộng giữa núi rừng. Hồ có diện tích khoảng 600 ha, được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt và các bản làng Thái, Mông. Hồ Pá Khoang không chỉ là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Khách du lịch Điện Biên có thể đi thuyền ngắm cảnh, câu cá, hoặc thư giãn trong không gian yên bình, tách biệt hoàn toàn khỏi nhịp sống hối hả. Vào mùa đông, sương mù bao phủ mặt hồ tạo nên một khung cảnh huyền ảo.

Hồ Pá Khoang

Ăn uống ở Điện Biên

Điện Biên không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên và lịch sử hào hùng mà còn hấp dẫn bởi những món ăn đặc sản độc đáo.

Gạo Điện Biên

Gạo tám thơm và gạo nếp nương Điện Biên nổi tiếng với hạt gạo căng tròn, thơm ngon và dẻo. Gạo thường dùng để nấu cơm, làm bánh, đặc biệt trong các dịp lễ hội và tết.

Chẩm chéo

Là loại gia vị truyền thống của người Thái, được làm từ các nguyên liệu như mắc khén, ớt, muối, tỏi và rau thơm. Chẩm chéo dùng làm nước chấm cho các món thịt nướng, cá suối, hoặc chấm xôi, rau rừng.

Chẩm chéo

Thịt trâu gác bếp

Là món ăn truyền thống của người Thái. Thịt trâu được ướp mắc khén, ớt, tỏi rồi hun khói trên bếp củi. Thịt gác bếp thơm, dai, đậm đà, thích hợp làm quà biếu hoặc nhâm nhi với rượu.

Cá nướng (Pa pỉnh tộp)

Cá suối tươi được ướp gia vị mắc khén, sả, gừng, rồi nướng trên than hoa. Thịt cá mềm, thơm, đậm đà, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Cá nướng pa pỉnh tộp. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+

Xôi nếp nương

Làm từ gạo nếp nương trồng trên các thửa ruộng bậc thang. Xôi có vị thơm tự nhiên, dẻo và ngọt nhẹ.

Rau hoa ban

Hoa và lá non của cây hoa ban được dùng để chế biến các món xào, nộm hoặc nấu canh.

Bắp cải cuốn nhót xanh

Một món ăn dân dã của người Thái, gồm lá bắp cải, quả nhót xanh, rau sống, và chẩm chéo. Vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện của món ăn này mang lại trải nghiệm thú vị.

Bắp cải cuốn nhót xanh

Rượu sâu chít

Loại rượu đặc biệt được ngâm từ sâu chít – một loại ấu trùng sống trong thân cây chít. Rượu nổi tiếng với công dụng bồi bổ sức khỏe.

Măng rừng

Măng tươi hoặc khô được khai thác từ rừng, có vị ngọt, giòn.

Chè Shan tuyết Tủa Chùa

Chè được trồng ở độ cao lớn, lá chè xanh mướt, búp trắng như tuyết. Chè có vị đậm đà, thơm, hậu ngọt. Khách du lịch Điện Biên có thể mua về làm quà.

Hái chè shan tuyết cổ thụ

Lưu trú

Các khách sạn ở Điện Biên chủ yếu tập trung ở thành phố Điện Biên Phủ. Ở đây có đa dạng từ nhà nghỉ, homestay đến các khách sạn 3-4 sao. Một số khách sạn như Mường Thanh Điện Biên, Him Lam Hotel, Điện Biên – Hải Vân, Phương Nam, An Lộc… Các nhà nghỉ có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng. Một số homestay được gợi ý như: Mường Then, Phương Đức, Nàng Ban, Điện Biên – Thung lũng Hoa Hồng…

Những lưu ý khi du lịch Điện Biên

Một số lưu ý cho chuyến du lịch Điện Biên sắp tới của bạn:

– Tránh mùa mưa từ tháng 6-8, mưa lớn có thể gây khó khăn trong việc di chuyển và tham quan

– Thuê xe máy là cách thuận tiện nhất để khám phá các điểm du lịch và tận hưởng cảnh đẹp

– Hãy chuẩn bị sức khỏe tốt vì địa hình đồi núi ở đây nhiều khúc cua

– Nên mang giày thể thao hoặc giày leo núi để thuận tiện khi di chuyển trên địa hình đồi núi.

Zalo
Facebook1
Hotline: 0969060728