Trà Shan tuyết cổ thụ Lũng Phìn (Hà Giang) – Cực phẩm trà miền núi,món quà tuyệt vời khi du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn

  


Khác với hương vị mạnh mẽ, ngọt đậm đặc trưng của trà cổ thụ của người Mông ở Tà Xùa – Sơn La, trà cổ thụ ở Lũng Phìn – Hà Giang lại có một hương vị thanh mát nhẹ nhàng, ngọt dịu nhưng cũng không kém phần sâu lắng.


 Cây chè ở Lũng Phìn là cây cao niên, mọc dọc theo thung lũng có khe suối chảy trên cao nguyên ở độ cao khoảng 1.800m, núi đá bao quanh và mây phủ suốt bốn mùa. Ánh nắng mặt trời chỉ đi qua khe núi vào giờ ngọ nên cây chè cổ quanh năm trong sương mù chỉ đón nắng chính ngọ - tinh khí của trời và hấp thụ tinh khí của đất - chất đất đỏ lẫn với đá cao nguyên qua hàng trăm năm, cứ thế lớn dần cho ra những lá trà màu xanh non lấp lánh tuyết trắng.

 

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ vươn mình vượt lên trên những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, quanh năm thiếu nước, để bao bọc những ngôi nhà tường trình, với ngói âm dương và hàng rào đá đặc trưng của những gia đình người Mông ở Lũng Phìn từ bao đời nay. 

 

Trà Lũng Phìn là một loại trà độc đáo, xưa kia chỉ dành cho các bậc quân vương. Trước kia, Lũng Phìn trà được vua người H'Mông chuyên dùng hoặc đem biếu tặng ngoại giao, dân chúng chẳng mấy khi được uống. Vì thế trà Lũng Phìn còn được gọi là trà vua Mèo, cực phẩm trà miền núi. Chính vì sự hiếm có của nó mà nhiều người yêu dòng trà Việt luôn săn lùng và tìm kiếm.

 

Cánh chè cổ thụ Lũng Phìn có đặc điểm rất nhỏ, nhẹ và tôm trà cũng rất bé.


Bà con chỉ hái mỗi năm 2 vụ: Trà xuân hái sau Tết Thanh minh, trà hè - thu hái vào tháng năm đến tháng sáu. Từ tháng bảy trở đi thời tiết vùng này đã trở lạnh, cây trà ít phát triển nên dân không hái. Bà con bảo nếu hái vào mùa này, cây trà sẽ kiệt sức, khó chống chọi với thời tiết giá buốt của cao nguyên đá.

 

Người Mông ở đây cũng như ở Tà Xùa, cứ cha truyền con nối, họ có cách làm trà thủ công rất riêng. Tuy cách thức có thể giống nhau, nhưng qua bàn tay của mỗi người, mỗi nhà, hương vị trà lại khác nhau. 

 

Trà Lũng Phìn được sấy thủ công, dùng cây ngô (lá ngô, lõi ngô) phơi khô để lấy lửa sấy trà. Chính vì thế, nó có mùi khói ngô nhẹ một cách cực kì duyên dáng, tựa như một lúm đồng tiền xinh xắn làm duyên thêm cho nụ cười thiếu nữ. Nếu trà cổ thụ Tà Xùa dùng củi to để sao trà và vò trà theo cách cuộn từ trong ra ngoài, để giữ búp trà được thẳng, ở Lũng Phìn người dân thường sao trà bằng các loại củi nhỏ, thân cây ngô, thân cây cỏ voi… Thêm vào đó họ vò rất kỹ, hai bàn tay nhuần nhuyễn xoay tròn hai "cuộn trà", xoay đi xoay lại, tới khi nào thấy "nhựa trà" dinh dính dưới tay, cùng với kinh nghiệm cảm nhận của bàn tay để quyết định thời điểm cho trà vào sao tiếp… Có lẽ, đó là hai điểm khác biệt lớn nhất trong cách làm trà của người Mông Đông Bắc (Lũng Phìn) và Tây Bắc (Tà Xùa).

 

Trà cổ thụ Tà Xùa cánh trà vàng sậm, lác đác những đốm nổ nhỏ do lửa to, nước vàng sáng trong còn trà cổ thụ Lũng Phìn cọng trà xoăn chắc, xanh mượt, nước trà xanh sáng trong, vị ngọt dịu nhẹ cứ trôi dần từ đầu lưỡi tới từng tế bào vị giác rồi xuống cổ họng…

 

Còn gì tuyệt vời hơn khi được uống một ấm trà cổ thụ Lũng Phìn trong cái tiết trời se lạnh của vùng cao phía Bắc. Hương trà thanh nhẹ tỏa khắp không gian xen lẫn mùi ngô, hòa quyện với sắc xanh của lá chè. Rót một tách trà, bưng lên ấp ủ vào lòng, ta khẽ chợt nhận ra dư vị của cuộc sống đôi khi chỉ là những giây phút bình yên bên ấm trà chiều...

 

Khác với trà cổ thụ ở Phìn Hồ mang hương thảo mộc đặc trưng, nội chất mạnh mẽ, vị chát mạnh nhưng không gắt thì trà cổ thụ ở Lũng Phìn lại có một hương vị thanh mát nhẹ nhàng, ngọt dịu nhưng cũng không kém phần tinh tế.

Nguồn: internet
Zalo
Facebook
Hotline: 0969060728